Phương pháp học tập để có bảng điểm toàn A tại trường nữ số 1 hàn quốc

Posted on Th03 28, 2024

Xin chào các bạn, mình là Minh Tâm, hiện đang học năm 3 ngành Truyền thông (Communication-Media) tại Trường Đại học Nữ sinh Ewha. Trong không khí khai giảng kỳ học mới, mình muốn chia sẻ một số phương pháp học và kinh nghiệm của mình, để có thể duy trì được một bảng điểm toàn A, trong khi trường của mình thì nhiều môn khó, nhiều giáo sư cũng không dễ cho điểm hay ưu tiên sinh viên nước ngoài, và những môn mình đã học thì đầy đủ cả từ tiếng Hàn đến tiếng Anh, từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên, từ môn chuyên ngành đến môn tự do.Trước khi đi vào bài, mình cũng phải nói rằng, quỹ thời gian của mình có tương đối nhiều hơn so với nhiều người, do vậy mà mình cũng có nhiều điều kiện để học chăm hơn. Những kinh nghiệm và phương pháp mình chia sẻ dưới đây không phải mang thông điệp “học ít mà điểm vẫn cao”, mà sẽ thiên về “học tập và ôn thi đỡ vất vả hơn so với cách truyền thống”. Chia sẻ dựa trên tinh thần sharing is caring, mình không mong lắm sẽ “được” thấy những phản hồi kiểu như “chỉ có những người thừa thời gian mới học như thế này”.

Nắm rõ và chuẩn bị tinh thần cho những gì sẽ diễn ra trong môn học.

Việc nắm rõ và chuẩn bị tinh thần ở đây, các bạn nên lưu ý những khía cạnh sau: Hình thức đánh giá là như thế nào, có team project hay không, có bài thi giữa hay cuối kỳ hay là sẽ được thay bằng essay, hoặc quiz, hoặc là assignment, kiểu như vậy. Rồi điểm mỗi bài tập hay bài thi chiếm bao nhiêu phần trăm tổng điểm, điểm đi học đầy đủ là bao nhiêu, nghỉ hay muộn một buổi sẽ bị trừ bao nhiêu điểm, có điểm tham gia trên lớp hay không. Bên cạnh đó thì tìm hiểu trước về tính cách hay phong cách dạy của giáo sư cũng khá là quan trọng đó, mình thấy vậy. Có một kỳ mình đã vừa học vừa ngất vì giáo môn chuyên ngành buổi nào cũng yêu cầu thảo luận rồi cứ 2 buổi lại có một bài tập nhỏ, stress lắm huhu.    

Về hình thức đánh giá, như nhiều bạn đã biết, thông thường sẽ có 2 hình thức chính: đánh giá tuyệt đối, tức là các thang điểm như A+, A, A-, B+ các thứ sẽ được quy định trước, giả sử như nếu tổng điểm đạt trên 91% thì chắc chắn là A+, kiểu như vậy. Còn đánh giá tương đối thì sẽ là chỉ một phần trăm sinh viên nhất định mới được A+, rồi một phần trăm nhất định khác sẽ được A. Mỗi một hình thức lại có điểm lợi và bất lợi riêng, cá nhân mình thì chắc mình thích đánh giá tương đối hơn. Bên cạnh đó thì ở trường mình có nhiều môn học sẽ kết hợp cả 2 hình thức đánh giá này, một số khác thì sẽ vừa là đánh giá tuyệt đối hoặc tương đối, vừa có cả đánh giá cá nhân của giáo sư nữa.

Ghi âm lại bài giảng bằng ứng dụng có tính năng chuyển từ giọng nói sang văn bản.

Một trong những trợ thủ đắc lực của mình khi đi học, đặc biệt là với những môn bằng tiếng Hàn, đó là ứng dụng chuyển giọng nói thành văn bản. Mình thường hay sử dụng ClovaNote (클로바노트), bởi ứng dụng này sẽ vừa ghi âm và lưu lại được record của một tiết học dài 75 phút, lại vừa chuyển được nội dung ghi âm thành văn bản với độ chính xác cao. Mình không quảng cáo hay gì đâu nhé, mình chắc chắn nếu là du học sinh Hàn thì cũng phải 80% là biết đến ứng dụng này.    

Sau giờ học, nếu bản thân còn phần nào nghe một lần chưa hiểu thì mình sẽ bật lại ghi âm và tua tới phần đó, hoặc nếu có phần nào có nhiều từ mới thì mình có thể tìm lại và tra được từ ấy nhờ vào phần văn bản được chuyển ra. Nhược điểm của ứng dụng này, ít nhất là ở trên máy tính bảng của mình, thì đó là việc nó hơi bị lỗi khi mình mở ra.

Tự giải thích lại nội dung bài học theo ý hiểu của mình bằng cách viết lại và sử dụng những mũi tên, tự tìm ví dụ cho những phần kiến thức bản thân đã học.

Mình thấy rằng hoạt động này sẽ giúp biến những kiến thức “có sẵn” trong tài liệu, sách vở hay giáo trình trở thành kiến thức của bản thân, phần kiến thức mà bản thân mình có thể diễn đạt được bằng lời văn của mình, cũng như là tự bản thân mình có thể liên hệ được kiến thức, với thực tiễn.

Học 7 lần?

Dù điểm mình không được quá là cao chót vót (chót vót với mình phải là toàn A+ ấy =)))), nhưng mình vẫn muốn chia sẻ một phương pháp học, hoặc có thể gọi là ôn thi cũng được, của cá nhân mình. Mình hay gọi là “Học 7 lần”, có nghĩa là phần kiến thức trong một buổi học sẽ được mình học đi học lại 7 lần, vào những thời điểm khác nhau:

  • Lần “học” đầu tiên sẽ là lúc đọc trước giáo trình hoặc tài liệu để chuẩn bị cho buổi học.
  • Lần “học” thứ hai, sẽ là lúc nghe giảng trên lớp rồi.
  • Lần “học” thứ ba sẽ là lần mình đọc lại tài liệu, giáo trình, và những gì mình đã note lại ngay sau khi buổi học kết thúc, hoặc là vào tối ngày hôm ấy. Công tác “học” lần ba này sẽ diễn ra trong vòng khoảng 15 đến 20’ thôi, không nhiều lắm.
  • Tiếp theo, về lần “học” thứ tư, thì đó sẽ là lúc mình bật lại bản ghi âm đã thu được trong buổi học..
  • Lần “học” thứ năm có thể được diễn ra ngay cuối tuần đó, hoặc là tầm 3 tuần tới 1 tháng trước khi thi, tùy theo việc mình chăm hay là lười nữa. Khi ấy, mình lấy ra một tờ giấy, cố nhớ và viết ra những từ khóa hoặc câu quan trọng của buổi học đó, kèm theo là ý chính bao trùm.
  • Lần “học” thứ sáu của mình sẽ là việc viết ra kiến thức thành những đoạn văn hoàn chỉnh, đặc biệt là trong trường hợp môn học thi theo dạng 서술형 hay 논술형, nôm na là tự luận đó.
  • Và lần “học” thứ bảy, giống như nhiều bạn khác, là mình sẽ vừa ôm quyển sách vừa đi đi lại lại, cố gắng nhớ những phần kiến thức trọng tâm thôi, hehe.

Cách làm bài tập nhóm với các bạn Hàn Quốc.

Tiếp theo thì sẽ là một số chia sẻ của mình liên quan đến việc làm bài tập nhóm với các bạn Hàn Quốc nha. Trải qua rồi mới thấy là làm bài tập nhóm với các bạn Hàn Quốc thì sẽ khác hơn so với hồi mình làm bài tập nhóm khi còn học đại học tại Việt Nam, và cũng khác so với lúc mình cùng làm với các bạn du học sinh khác.

Mình thấy là mới ban đầu, lúc mà chưa chính thức cùng thảo luận mà chỉ là giới thiệu sơ qua về nhau thôi ấy, thì các bạn sẽ khá là ngần ngại, và lo lắng nữa, kiểu như du học sinh bọn mình có làm “được việc” không. Nhưng nếu ngay từ đầu mình có thể cho các bạn ấy thấy rằng mình thảo luận, nói chuyện, tìm tài liệu và viết báo cáo được bằng tiếng Hàn, thì các bạn ấy sẽ rất là “bình thường”.

Các bạn Hàn khi làm bài tập nhóm sẽ không chỉ để ý phần của bản thân đâu, mà các bạn cũng sẽ đọc, giám sát, rồi góp ý cả những phần của các thành viên khác nữa. Cá nhân mình thì thấy khá là thích điểm này, vì bài tập nhóm là bài chung, và việc giám sát công việc của nhau như vậy sẽ làm cho phần bài trở nên mạch lạc và hiệu quả làm việc nhóm thể hiện được ra cũng cao hơn, tránh được tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Phong cách làm việc nhóm của mình cũng là như vậy, thế nên là mình rất ưng làm việc nhóm với mấy bạn Hàn.  

Bên cạnh đó thì các bạn Hàn không chỉ “tuân thủ” deadline, mà các bạn ấy thường nộp phần việc sớm hơn nhiều trước giờ quy định, có lúc sớm hẳn 3-4 ngày. Kể cả khi giục deadline, thì các bạn ấy cũng dí muộn nhất là trước nửa ngày lận. Mình nghĩ là các bạn ấy muốn có thời gian để đọc phần bài của những thành viên khác, rồi để phần việc của bản thân cũng được đọc và góp ý nữa.    

Đương nhiên thì đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân mình, và không phải môi trường nào ở Hàn Quốc cũng có thể áp dụng được như vậy. Đây cũng chỉ là quan sát của cá nhân mình mà thôi.

Chia sẻ từ bạn Minh Tâm.

Tags

Đăng ký để nhận thông tin hữu ích từ Thông Tin Du Học Hàn Quốc bạn nhé!!

Đăng ký ngay